Lịch sử Đường_Trường_Sơn

Tiền thân

Trong giai đoạn kháng chiến Chống Pháp, tiền thân của tuyến đường mòn Hồ Chí Minh sau này gồm bốn tuyến đường chính:

Tuyến 1: Đường thượng (Tây Trường Sơn): Từ Chu Lễ (Hà Tĩnh) đi bộ vào ga Tân Ấp (Quảng Bình) rồi xuyên tây Quảng Bình vào Khe Sanh qua Quốc lộ 9A đến Ba Lòng là chiến khu của Quảng Trị.

Tuyến 2: Đường Đông Trường Sơn: cũng từ Chu Lễ nhưng có một đoạn đi xe goòng (toa xe lửa nhỏ, đặt trên ray vừa kéo vừa đẩy) vào tới Minh Cầm (nay là Minh Hóa, Quảng Bình) rồi đến vùng đông Quảng Trị, ngược lên Ba Lòng.

Tuyến 3: Từ chiến khu Ba Lòng vào khu 5, đi xuyên lên A Lưới, vào bến Hiên (nay là Đông Giang, Quảng Nam) rồi đi tiếp vào Bình Định.

Tuyến 4: Từ khu 5 vào Nam Bộ: Từ dốc Chanh (Phú Yên) đi đến hòn Dữ (Khánh Hòa) xuyên qua núi Ba Cụm, đến trạm Mã Đà và sau đó đến trạm Đội Lào (Tà Lu, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam)[3]

Hình thành (1959–1965)

Đường Trường Sơn, 1959-1964

Một số phần của Đường Trường Sơn vốn đã tồn tại từ hàng thế kỷ dưới hình thức các con đường mòn sơ khai dành cho việc giao thông buôn bán trong vùng. Khu vực mà hệ thống đi qua đã là một trong những vùng đất địa hình hiểm trở nhất Đông Nam Á: núi cao, ít dân, rừng rậm nhiệt đới. Trong những năm đầu của Chiến tranh Đông Dương, Việt Minh đã sử dụng hệ thống đường mòn này làm đường nối liền Bắc Nam, một trong các tuyến đường đưa cán bộ di chuyển giữa hai miền để tránh sự truy quét của quân Pháp. Tháng 5 năm 1958, các lực lượng thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) và Pathet Lào đã chiếm giữ các nút giao thông tại Sê Pôn (Tchepone), trên đường 9 thuộc địa phận Lào.[4]

Sau khi chế độ Việt Nam Cộng hòa ra đời dưới sự hậu thuẫn của Mỹ, đã phủ nhận tổng tuyển cử toàn quốc theo Hiệp định Genève về Việt Nam năm 1954, đưa đến việc chia cắt Việt Nam. Để tiếp tục chi viện cho quân Giải phóng miền Nam, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã quyết định xây dựng những con đường chiến lược. Trên cơ sở đó đã có 2 tuyến đường được xem xét là tuyến đường bộ qua dãy Trường Sơn và tuyến đường biển trên biển Đông.

Năm 1959, khi xung đột quân sự lên cao giữa Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và chính phủ Ngô Đình Diệm, chính phủ Hà Nội gửi Đoàn 559 mới được thành lập vào tháng 9 vào Nam để xây dựng hệ thống đường Trường Sơn với lực lượng gồm một tiểu đoàn giao liên D301 với 440 người. Đoàn trưởng là Thượng tá (sau là Thiếu tướng) Võ Bẩm. Đoàn có nhiệm vụ vừa vận chuyển vừa mở đường hành quân. Với phương châm "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng" để đảm bảo bí mật tối đa, toàn bộ vũ khí và hàng mang theo đều là các loại cũ từ thời Pháp, thậm chí đoàn còn dùng ván gỗ để khi đi không để lại dấu vết trên đất rừng.

Sau đó, đoàn 559 chuyển các tuyến giao thông của mình sang sườn Tây của dãy Trường Sơn.[5] Một năm sau, đoàn 559 đã đạt được quân số 6.000 người với hai trung đoàn 70 và 71.[6] Con số này không bao gồm các lực lượng chiến đấu với nhiệm vụ bảo vệ hay dân công Việt và Lào. Trong những ngày đầu của cuộc xung đột, đường Trường Sơn chỉ được dùng để chuyển quân, do khi đó việc vận chuyển súng đạn vào Nam qua đường biển có hiệu quả cao hơn.[7] Sau các cố gắng của hải quân Mỹ nhằm ngăn chặn hoạt động này trên vùng biển ven bờ Chiến dịch Market Time, đường Trường Sơn phải làm cả hai nhiệm vụ. Hàng chuyển vào từ miền Bắc được lưu trong các kho tàng dọc theo biên giới mà sau được gọi là các "Khu căn cứ", những nơi này đến lượt nó lại trở thành các thánh địa cho các lực lượng Quân giải phóng miền Nam dưỡng quân và tái trang bị sau khi thực hiện các hoạt động quân sự bên trong lãnh thổ do đối phương kiểm soát.

Các khu căn cứ của Đoàn 559 trên lãnh thổ Lào (tài liệu trinh sát của CIA)

Có 5 khu căn cứ lớn trong vùng cán xoong của Lào (xem bản đồ). Căn cứ 604 là trung tâm hậu cần chính; từ đó, quân và quân nhu được điều phối vào Vùng 1 chiến thuật của Việt Nam Cộng hòa và các căn cứ khác xa hơn ở phía Nam. Căn cứ 611 hỗ trợ vận tải từ căn cứ 604 tới căn cứ 609; cung cấp xăng dầu và đạn dược cho căn cứ 607 và tới tận thung lũng A SầuThừa Thiên. Căn cứ 612 được dành để hỗ trợ Mặt trận B3 tại Tây Nguyên. Căn cứ 614 nằm giữa Chavane (Lào) và Khâm Đức (Nam Việt Nam) vận chuyển quân và hàng hóa vào Vùng 2 chiến thuật và Mặt trận B3. Căn cứ 609 giữ vai trò quan trọng, do mạng lưới đường ở đây có thể dùng để vận chuyển quân nhu trong mùa mưa.[8] Ban đầu, hàng hóa được vận chuyển bằng xe đạp thồ, xe bò. Đến tháng 12 năm 1961, Đoàn vận tải số 3 của Cục Hậu cần đã trở thành đơn vị vận tải sử dụng xe cơ giới đầu tiên của QĐNDVN phục vụ trên đường Trường Sơn. Từ đây, vận tải cơ giới tăng lên nhanh chóng.[9]

Có hai loại đơn vị thuộc Đoàn 559, các binh trạm và các đơn vị giao liên. Một binh trạm tương đương với một trung tâm hậu cần cấp trung đoàn, có trách nhiệm bảo vệ một đoạn đường. Trong khi các đơn vị độc lập chịu trách nhiệm an ninh, công binh, và các chức năng đánh tín hiệu, binh trạm cung cấp các nhu yếu phẩm hậu cần. Các trạm giao liên thường đóng cách nhau một ngày đường đi bộ, có trách nhiệm cung cấp lương thực, chỗ trú, y tế, và dẫn đường tới trạm tiếp theo. Đến tháng 4 năm 1965, chỉ huy Đoàn 559 là Tướng Phan Trọng Tuệ, quân số gồm 24.000 người, bố trí trong 6 tiểu đoàn vận tải bằng xe tải, 2 tiểu đoàn vận tải xe đạp thồ, một tiểu đoàn vận tải đường thủy, 8 tiểu đoàn công binh, và 45 trạm giao liên. Khẩu hiệu của Đoàn 559 khi đó là "Đánh địch mà tiến, mở đường mà đi".[10]

Hệ thống đường Trường Sơn phát triển thành một mạng lưới phức tạp của các con đường đất (một số nơi rải đá hoặc lót ván gỗ) rộng khoảng 5,5 m, đường cho người đi bộ và xe đạp thồ, bãi đỗ xe tải. Còn có kho chứa, bãi chứa hàng, doanh trại, bệnh viện, và các cơ sở vật chất khác. Tất cả được che giấu khỏi quan sát từ trên không bằng một hệ thống ngụy trang tự nhiên và nhân tạo không ngừng được mở rộng và củng cố.

Thời tiết ở vùng Đông Nam Lào đóng vai trò quan trọng cả trong nỗ lực hậu cần và cả trong cố gắng của quân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa nhằm phá đường. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9, trong thời gian này, trời luôn nhiều mây, mưa nhiều, nhiệt độ cao. Mùa khô kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3, khí hậu tương đối khô hơn và nhiệt độ thấp hơn. Do mạng lưới đường chủ yếu là đường đất, khối lượng vận chuyển chủ yếu (và các hoạt động quân sự mà nó hỗ trợ) được thực hiện vào mùa khô. Về sau, hệ thống đường được bổ sung bởi vận tải đường sông, kiểu vận tải này cho phép chuyển các khối lượng lớn quân nhu ngay cả trong mùa mưa.

Ngăn chặn và mở rộng (1965-1968)

Đường Trường Sơn, 1965-1968

Đầu năm 1965, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ được cử làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Đoàn 559. Cuối năm 1965, Đại tá Hoàng Văn Thái được cử làm Tư lệnh và Đại tá Vũ Xuân Chiêm được cử làm Chính ủy Đoàn 559. Đến cuối năm 1966, Đại tá Đồng Sĩ Nguyên được cử làm Tư lệnh Đoàn 559 cho đến khi Đoàn 559 kết thúc nhiệm vụ lịch sử của mình (1976).

Theo ước lượng của tình báo Mỹ, trong năm 1961 số quân vào Nam theo đường Trường Sơn là 5.843, năm 1962 12.675 (con số thực là 5.300); năm 1963 7.693 (thực tế 4.700); và năm 1964 là 12.424 (thực tế là 9.000).[11] Năm 1964, khả năng cung ứng của đường Trường Sơn đã đạt đến từ 20 đến 30 tấn mỗi ngày.[6] Năm 1965, nhờ có các tuyến đường mới mở (trong đó có các tuyến đi qua Campuchia), lượng quân nhu được chuyển vào Nam trong năm này gần bằng tổng của 5 năm trước.

Đến năm 1965, việc ngăn chặn hệ thống đường Trường Sơn đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của Mỹ, nhưng các chiến dịch chống phá gặp khó khăn bởi thiếu lực lượng và bởi tính "trung lập" của Lào. Các vấn đề phức tạp của chính trị Lào cùng với sự can thiệp của Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã dẫn tới một chính sách chung là hai bên cùng lờ nhau,[12] và tiếp tục vi phạm tính trung lập của Lào: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa củng cố và mở rộng hệ thống hậu cần trên đất Lào và hỗ trợ lực lượng đồng minh Pathet Lào; Mỹ không ngừng ném bom đường Trường Sơn và xây dựng hỗ trợ một đội quân bí mật để đánh lại lực lượng cộng sản.[13] Tuy nhiên quân đội Mỹ được lệnh không ra khỏi biên giới Việt Nam Cộng hòa vì Tổng thống Mỹ không muốn mở rộng chiến tranh.[14]

Ngày 14 tháng 12 năm 1964, Không lực Mỹ thực hiện Chiến dịch Barrel Roll lần đầu ném bom một cách có hệ thống phần đường tại Lào.[15] Ngày 20 tháng 3 năm 1965, sau khi Chiến dịch Sấm Rền đánh phá miền Bắc và Bắc Trung Bộ mở màn, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson đã chấp thuận một cuộc leo thang quân sự nhằm phá đường Trường Sơn.[16] Chiến dịch Barrel Roll tiếp diễn ở vùng Đông Bắc Lào, trong khi vùng cán xoong phía nam bị ném bom bởi Chiến dịch Steel Tiger. Đến giữa năm, số phi vụ đã tăng từ 20 lên 1.000 lượt mỗi tháng. Trong tháng 1 năm 1965, chỉ huy Mỹ tại Sài Gòn yêu cầu kiểm soát các chiến dịch ném bom tại các vùng Lào giáp ranh với 5 tỉnh phía Bắc Việt Nam Cộng hòa. Đến đây, vùng này thuộc về địa bàn của Chiến dịch Tiger Hound.[17]

Mùa mưa hàng năm làm ảnh hưởng tới các hoạt động vận tải của đường Trường Sơn và cũng gây khó khăn cho các chiến dịch ném bom. Ngoài ra, sương mù buổi sớm và khói do tập tục đốt rẫy của dân cư thiểu số cũng cản trở việc ném bom. Trong năm 1968, Không quân Mỹ thực hiện hai thí nghiệm với hy vọng làm trầm trọng hơn nữa kiểu thời tiết xấu của mùa mưa. Dự án Popeye là một cố gắng nhằm kéo dài vô hạn mùa mưa trên đường Trường Sơn bằng cách tạo mây. Dự án bắt đầu thử nghiệm vào tháng 9 trên vùng lưu vực sông Se Kong - con sông chảy qua địa bàn của các chiến dịch Steel Tiger và Tiger Hound. Mây được tạo trong không trung bằng các đám khói Bạc iodua và sau đó được kích hoạt bằng một mồi nổ bắn ra từ súng bắn pháo sáng. Dự án thử nghiệm thành công và chương trình đã được thực hiện cho đến tháng 7 năm 1972.[18]

Khu vực hoạt động của các chiến dịch Barrel Roll / Steel Tiger / Tiger Hound

Dự án Commando Lava được bắt đầu thử nghiệm vào tháng 5. Các nhà khoa học ở công ty Dow Chemical đã chế tạo một dung dịch hóa học mà khi trộn với nước mưa sẽ phá hủy tính ổn định của các thành phần của đất và tạo ra bùn. Những thành viên quân sự và dân sự của chương trình này đã rất hứng thú, họ cho rằng họ đang "tạo bùn chứ không gây chiến."[19] Tuy nhiên, thử nghiệm không cho kết quả tốt, chất này chỉ có tác dụng ở một số vùng, tùy theo thành phần của đất.

Trên mặt đất, ban đầu, CIA và Quân đội Hoàng gia Lào có trách nhiệm ngăn chặn, làm chậm, hoặc ít nhất là theo dõi hoạt động của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Về sau, nhiệm vụ này do các đội thám báo Lào cho CIA xây dựng thực hiện. Đến tháng 10 năm 1965, Tướng William Westmoreland, chỉ huy quân đội Mỹ ở Nam Việt Nam, nhận được thẩm quyền tung lực lượng biệt kích Mỹ vượt qua biên giới. Ngày 18 tháng 11, lực lượng bí mật SOG (Military Assistance Command, Vietnam Studies and Observations Group) thực hiện đặc vụ "vượt hàng rào" đầu tiên vào đất Lào.[20] Đây là khởi đầu của một nỗ lực thám báo không ngừng mở rộng của SOG cho đến khi tổ chức này được giải thể vào năm 1972. Ngày 10 tháng 12, một vũ khí khác của Mỹ đã được đưa vào sử dụng, đó là trận ném bom đầu tiên của pháo đài bay B-52 xuống đường Trường Sơn.[21]

Tuy nhiên, các cố gắng trên không chặn hoặc giảm được nhịp độ vận chuyển vào Nam. Mặc dù vậy, các nhà sử học Mỹ vẫn đánh giá các chiến đánh phá này không vô ích, do 10 ngàn quân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bị giữ lại để bảo vệ và duy trì đường Trường Sơn thay vì vào Nam chiến đấu.[22][23]

Năm 1966, Mỹ ước tính tổng số quân vào Nam qua đường Trường Sơn là từ 58.000 đến 90.000 người, trong đó có ít nhất 5 trung đoàn hoàn chỉnh.[24] Mùa khô năm 1966-1967 đánh dấu bước chuyển lớn về chiến thuật vận tải của đoàn 559 từ "phòng tránh tích cực" sang "tiến công" hợp đồng binh chủng. Các sở chỉ huy được chuyển ra gần đường, các lực lượng phòng không, công binh đóng sát đường để hỗ trợ kịp thời và hiệu quả hơn cho lực lượng vận tải chủ công. Nhiều tuyến đường phụ, đường vòng được mở thêm để đảm bảo thông đường cho xe chạy. Đến cuối năm 1967, mạng lưới đường đã lên 2.959 km đường ô tô, trong đó có 275 km đường chính, 576 km đường vòng, và 450 đường vào cùng các kho chứa.[25]

Bộ đội Trường Sơn còn sử dụng sông Se Kong và sông Se Bangfai để chở lương thực, nhiên liệu, và đạn dược bằng cách cho hàng vào các thùng thép và thả trôi sông, các thùng này được thu lại ở đầu kia bởi các hệ thống lưới và rào gỗ. Người Mỹ đã không biết rằng trong năm 1967, để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968, hơn 81.000 tấn hàng đã được vận chuyển và cất giữ [26], 200.000 quân, trong đó có 7 trung đoàn bộ binh và 20 tiểu đoàn độc lập đã vào Nam.[27]

Quân nhu được vận chuyển theo đoàn được hộ tống từ miền Bắc theo từng chặng, xe tải chỉ chạy đi về giữa hai trạm, dỡ hàng và lấy hàng mới tại mỗi trạm. Nếu một xe tải bị hỏng hoặc bị bom phá, nó sẽ được thay bằng một xe của trạm gần nhất phía Bắc, và cứ như vậy cho đến khi một xe tải mới được đưa vào tại trạm cuối ở miền Bắc. Cuối cùng, khi hàng tới trạm giao liên cuối cùng ở phía Nam, hàng được bốc dỡ, cất vào kho, đưa lên các phương tiện vận tải thủy, hoặc do người vác vào miền Nam Việt Nam.

Để tránh bom, các đơn vị vận tải thường chỉ chạy khi trời tối, cao điểm là lúc gần sáng. Khi máy bay Mỹ tới, giao thông sẽ dừng lại cho đến khi trời gần sáng, khi các máy bay ném bom và bắn phá ban đêm trở về căn cứ. Rồi xe lại chạy, cao điểm tiếp theo là khoảng 6 giờ sáng khi các lái xe cố gắng đưa xe về điểm tập kết trước khi mặt trời mọc và các đợt máy bay buổi sáng bắt đầu.[28]

Thời kỳ 1968–1972

Đường mòn Hồ Chí Minh, 1969-1973

Cuối năm 1968, tình báo Mỹ đã có một phát hiện gây sốc, đó là phát hiện về hệ thống đường ống dẫn xăng dầu chạy ở phía tây nam từ Vinh.[29] Đến đầu năm 1969, hệ thống này đã vượt qua biên giới với Lào, và đến năm 1970 đã vươn tới gần thung lũng A Sầu ở tỉnh Thừa Thiên. Được hỗ trợ bởi nhiều trạm bơm nhỏ, đường ống bằng nhựa đã có thể chuyển dầu diesel, xăng và dầu hỏa qua cùng một ống. Nhờ các nỗ lực của Trung đoàn đường ống 592 Quân đội Nhân dân Việt Nam, đến năm 1970, số đường ống vào Lào đã tăng lên 6.[30]

Năm 1970, Đoàn 559 được nâng lên mang mức quân khu. Chỉ huy thời kỳ này là Đại tá Đồng Sĩ Nguyên - Tư lệnh và Đại tá Vũ Xuân ChiêmChính ủy. Năm 1971, Đại tá Đặng Tính được cử làm Chính ủy (Chính ủy Đặng Tính gặp tai nạn và mất trên đường đi công tác năm 1973). Binh đoàn được tổ chức lại thành 5 bộ tư lệnh khu vực ngang cấp sư đoàn là: 470, 471, 472, 473, và 571. Lực lượng binh đoàn bao gồm 4 trung đoàn vận tải, 2 trung đoàn đường ống dẫn dầu, 3 trung đoàn pháo phòng không, 8 trung đoàn công binh, và Sư đoàn 968 Bộ binh. Đến cuối năm, đoàn 559 đã có 27 binh trạm, vận chuyển 40.000 tấn hàng với tỉ lệ mất mát của năm đó là 3.4%.[31]

Cho đến năm 1970, gần 80% lượng hàng được chuyển từ Bắc vào Nam là qua Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, dỡ tại cảng Sihanoukville ở Campuchia, rồi từ đó đưa vào miền Nam Việt Nam. Sau vụ đảo chính của tướng Lon Nol tại Campuchia năm 1970, và việc đóng cảng Sihanoukville đối với tàu từ miền Bắc Việt Nam, đường Trường Sơn phải làm thêm nhiệm vụ của đường Hồ Chí Minh trên biển. Có lẽ do dự đoán trước khả năng mất đường hậu cần phía Nam nên từ năm 1969, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã bắt đầu nỗ lực hậu cần lớn nhất trong cả cuộc chiến.[32] Năm 1970, họ chiếm các thị xã Lào AttopeuSaravane ở chân cao nguyên Boloven, kéo dài hệ thống vận tải trên sông Se Kong vào Campuchia. Quân đội Nhân dân Việt Nam còn thành lập Đoàn Vận tải 470 để quản lý dòng người và hàng đi tới các chiến trường mới trong lãnh thổ Campuchia.[33] "Con đường Giải Phóng" mới này rẽ sang Tây từ đường Trường Sơn tại Mường May ở Nam Lào, đi song song với Se Kong để vào Campuchia.

Cuối cùng, tuyến đường mới này kéo dài qua Siem Prang tới sông Mekong đoạn ở gần Stung Treng, Campuchia.[34] Trong năm 1971 Quân đội Nhân dân Việt Nam chiếm Paksong và tiến tới Pakse tại trung tâm cao nguyên Boloven. Năm sau, Quân đội Nhân dân Việt Nam chiếm được Khong Sedone. Họ còn tiếp tục một chiến dịch được bắt đầu từ năm 1968 để dọn sườn phía đông của đường Trường Sơn. Trong năm đó, các cứ điểm của các Lực lượng Đặc biệt của Mỹ tại Khe SanhKhâm Đức (cả hai đều do SOG sử dụng làm các căn cứ tiền phương cho các hoạt động biệt kích chống phá đường Trường Sơn) đều bị bỏ hoặc đánh bại.[35] Năm 1970, số phận tương tự đã xảy đến cho một căn cứ khác tại Dak Seang. Hành lang vận chuyển từng rộng chỉ 20 dặm nay đã trải rộng 90 dặm từ Đông sang Tây. Năm 1971, "đường kín" dưới tán rừng bắt đầu được xây đựng. Đến năm 1973, xe tải có thể chạy suốt dọc đường mà không ra khỏi mái ngụy trang, ngoại trừ khi đi qua suối cạn hay vượt suối qua các ngầm (loại cầu được xây ngay dưới mặt nước).[36]

Chiến dịch Commando Hunt và Igloo White

Đến năm 1968, hệ thống hậu cần của miền Bắc đã mở rộng và hiện đại hóa. Ngoài ra, khoảng 43.000 người Việt và Lào đã tham gia điều khiển, nâng cấp, hoặc mở rộng hệ thống đường.[37] Lượng bom ném xuống Trường Sơn đạt đỉnh năm 1969, với khoảng 433.000 tấn ném xuống Lào.[38] Đây là thời điểm kết thúc của chiến dịch Rolling Thunder và mở đầu của chiến dịch Commando Hunt (tháng 11 năm 1968).

Việc nỗ lực ném bom liên tục này được chỉ dẫn bởi chiến dịch Igloo White hoạt động tại Nakhon Phanom, Thái Lan. Chiến dịch này gồm ba phần: các thiết bị cảm ứng địa chấn và âm thanh thu thập thông tin tình báo trên đường Trường Sơn (hàng rào điện tử MacNamara), các máy tính tại Trung tâm Giám sát Thâm nhập (Infiltration Surveillance Center – ICS) đặt tại Thái Lan thu thập thông tin và ước tính các đường vận tải và tốc độ xe; các kíp máy bay được ISC chỉ dẫn để đánh phá các mục tiêu.[39] Nỗ lực này còn được hỗ trợ bởi các nhóm biệt kích SOG. Ngoài các nhiệm vụ do thám, đặt máy nghe trộm, và đánh giá thiệt hại do bom, các nhóm này còn tự tay lắp đặt các thiết bị cảm ứng cho chiến dịch Igloo White.

Đến giai đoạn cuối của chiến dịch Commando Hunt (tháng 10 năm 1970 – tháng 4 năm 1972) số phi vụ máy bay bắn phá mỗi ngày là 182 máy bay tiêm kích, 13 máy bay chiến đấu (fixed wing gunship) và 21 B-52.[40]

Sự phát triển của vũ khí phòng không Quân đội Nhân dân Việt Nam 1965-1972

Quân đội Nhân dân Việt Nam đáp trả máy bay Mỹ bằng lực lượng pháo phòng không ngày càng mạnh. Năm 1968, lực lượng này chỉ gồm các pháo phòng không cỡ 37-mm và 57-mm điều khiển thủ công. Năm sau đã xuất hiện súng 85-mm và 100-mm do radar điều khiển. Đến năm 1972, Mỹ ước tính đường Trường Sơn đã được bảo vệ bởi hơn 1.500 khẩu pháo phòng không.[41]

Ngày 20/7/1971, Sư đoàn Phòng không 377 được Bộ Quốc phòng điều động trực thuộc Bộ tư lệnh Trường Sơn. Bộ cũng bổ sung cho Bộ tư lệnh Trường Sơn thêm 728 khẩu pháo phòng không các loại, 20.000 bộ đội và 15.000 thanh niên xung phong. Chưa bao giờ lực lượng phòng không của Trường Sơn lại hùng hậu như thời kỳ này: Sư đoàn 377 (có 6 trung đoàn) và 12 Trung đoàn cao xạ và tên lửa độc lập. Đó là chưa kể 28 tiểu đoàn pháo cao xạ của 25 Binh trạm Trường Sơn.

Trong các loại vũ khí bắn phá Trường Sơn, máy bay chiến đấu AC-130 Spectre với kính ngắm hồng ngoại và súng 40 mm được phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đánh giá là hiệu quả nhất, kiểm soát và hạn chế phần nào hoạt động vận tải về đêm,[31] phá hủy 2.432 xe tải trong tổng số 4.000 xe bị bom phá trong mùa khô 1970-71.[42]

Để đối phó với máy bay AC-130, tháng 2 năm 1972, một tuyến "đường kín" dài 800 km hoàn thành và bắt đầu đưa vào sử dụng. Trên tuyến này, xe chạy dưới tán rừng già, chạy hoàn toàn vào ban ngày để tránh bị máy bay phát hiện. Xe chạy theo đội hình trung đoàn liền trên toàn tuyến chứ không chạy theo chặng nên thời gian giảm được từ 10 đến 15 ngày. Ban đêm, các đội xe vẫn tiếp tục chở hàng trên "đường hở", kết hợp với việc nghi binh bởi các xe hỏng chạy thật để bẫy AC-130 cho lực lượng phòng không tấn công.

Ngày 29 tháng 3 năm 1972, máy bay AC-130 đã bị bắn rơi trong một phi vụ ban đêm bởi tên lửa đất đối không SAM-2 ở gần Sê Pôn.[43], 14 phi công Mỹ thiệt mạng. Hai ngày sau, một chiếc AC-130 lại bị quật ngã bởi pháo phòng không 57mm và rơi xuống rừng Trường Sơn, 15 thành viên phi hành đoàn nhảy dù và được giải cứu sau đó. Không quân Mỹ bị mất liên tiếp hai chiếc máy bay đắt đỏ và 14 phi công chỉ trong 2 ngày. Ngày 18/6/1972, bộ đội Việt Nam sử dụng tên lửa vác vai Strela 2 bắn rơi một chiếc AC-130. Sau các vụ này, AC-130 phải lui về hoạt động ở phía Nam đường 9. Tuyến "đường kín" này đã đem lại hai kết quả quan trọng:

  • Nỗ lực của Mỹ dùng máy bay AC-130 để đánh phá và chặn xe đã bị vô hiệu hóa;
  • Việc vận tải được thực hiện theo cung dài đội hình lớn, đi thắng từ đầu đến cuối tuyến, kết thúc những năm tháng dai dẳng xe phải chạy ban đêm, vận chuyển theo từng cung trạm, vừa chậm vừa kém hiệu quả.

Sau 2 năm, chiến dịch Igloo White nói riêng và "Chương trình ngăn chặn mới" nói chung đã không thể thu được kết quả như mong muốn. Đến năm 1970, các thông tin của cơ quan tình báo chiến trường Mỹ đã khiến người ta phải sửng sốt. Theo đó, từ năm 1969 cho đến năm 1970, mức thâm nhập qua Trường Sơn lên tới 348 đoàn, trong đó có 46 tiểu đoàn trang bị mạnh, 24.530 tấn vũ khí, có 335 chuyến bay các loại bí mật thả vũ khí xuống các hành lang ở Lào. John McConnell, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ thừa nhận:

Không quân Mỹ đang phải gánh chịu những tổn thất to lớn trong cuộc chiến kỳ lạ để giành lấy những thắng lợi nhỏ nhoi… Tôi chưa bao giờ thất vọng như lúc này[44]

Sau khi Hàng rào McNamara bị chọc thủng, đến lượt kế hoạch Igloo White bị phá sản. Từ sau năm 1970, kỹ thuật quân sự Mỹ bế tắc, không tìm ra lời giải mới nào khả quan trong việc cắt đứt đường Hồ Chí Minh[45] Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn tiếp tục được kéo dài cho đến năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết.

Chiến dịch Lam Sơn 719

Đầu tháng 2 năm 1971, 30.000 quân Việt Nam Cộng hòa, 4.000 quân Hoàng gia Lào, được sự yểm trợ của 10.000 lính Mỹ và không quân Mỹ, đã vượt biên giới Lào, tiến theo Đường 9 về phía trung tâm hậu cần của Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Sê Pôn (Tchepone). Chiến dịch Lam Sơn 719, cuộc tấn công được mong chờ đã lâu vào hệ thống đường Trường Sơn và cuộc thử nghiệm của chính sách Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ, đã bắt đầu. Quân đội Mỹ (ngoại trừ các đơn vị không quân, pháo binh, trực thăng) theo luật sẽ không tham gia trực tiếp cuộc xâm lược.[46] Đầu tiên, chiến dịch tiến triển tốt, chỉ gặp phải ít kháng cự. Tuy nhiên, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chuẩn bị cho trận chiến này từ lâu, họ nhanh chóng điều đến một lực lượng cuối cùng lên đến 60.000 quân, đợi khi thời cơ đến phản công cô lập và tiêu diệt từng cánh quân của QLVNCH.[47]

Đường Trường Sơn, 1973-1975

Chiến trận nổ ra tại Nam Lào không giống với bất cứ trận chiến nào trước đó trong Chiến tranh Việt Nam, lần đầu tiên Quân đội Nhân dân Việt Nam có sự hiệp đồng binh chủng: bộ binh tấn công với sự hỗ trợ của xe tăngpháo hạng nặng đè bẹp các vị trí của Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại các cánh và đội hình chính. Hỏa lực phòng không phối hợp đã làm cho sự hỗ trợ và vận tải bằng không quân trở nên khó khăn và thiệt hại lớn, 168 trực thăng bị bắn rơi và 618 chiếc khác bị bắn hỏng.[48] Tuy đổ được quân vào một vài điểm cao phía Đông Sê Pôn và đưa được quân trinh sát vào trong thị trấn, nhưng đó là một chiến tích không mấy giá trị, vì Quân lực Việt Nam Cộng hòa sau đó đã phải nhanh chóng rút lui. Quân đội Nhân dân Việt Nam khép chặt gọng kìm và chặn đánh trên suốt quá trình rút lui. Tuy được hỗ trợ bởi hỏa lực mạnh của Mỹ, nhưng Quân lực Việt Nam Cộng hòa vẫn chịu thiệt hại nặng nề.

Đến ngày 25 tháng 3, chiến sự kết thúc, các đơn vị cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa rút chạy trở về với đối phương đuổi sát phía sau. Chiến dịch này được coi là một thất bại đẫm máu của liên quân Mỹ-Việt Nam Cộng hòa, cả với vai trò thử nghiệm của Việt Nam hóa chiến tranh (bên tấn công chịu thương vong hơn một nửa quân số) và với vai trò phá hệ thống hậu cần của Quân đội Nhân dân Việt Nam (trong gần hai tháng diễn ra chiến dịch và tham gia chiến dịch, chẳng những xe vận tải không bị tắc, mà khối lượng hàng chuyển giao các chiến trường tăng gấp hai lần, thời gian đưa hàng đến đích cũng nhanh hơn, chỉ bằng nửa thời gian trước đó[49]).

Đường tới chiến thắng (1973–1975)

Sau Hiệp định Paris năm 1973, Mỹ ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam và Lào. Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn được phát triển nhanh chóng, toàn diện, quy mô lớn trên tất cả các mặt. Đường Trường Sơn được nâng cấp tuyến phía Tây. Năm 1974, đường mở thêm tuyến phía Đông.

Năm 1973, hệ thống đường Trường Sơn bao gồm một con đường (rải sỏi và đá vôi) rộng hai làn xe, chạy từ các cửa khẩu ở Bắc Trung Bộ tới dãy Chu Pông ở miền Nam. Năm sau, đã có 4 làn hoàn chỉnh từ Tây Nguyên đến tận tỉnh Tây Ninh ở phía tây bắc Sài Gòn. Đường ống dẫn dầu duy nhất đã từng kết thúc tại thung lũng A Sầu nay bao gồm 4 đường (đường lớn nhất có đường kính 200 mm) kéo về phía Nam tới tận Lộc Ninh[50]

Tháng 7 năm 1973 Binh đoàn Trường Sơn được tổ chức lại, nâng lên cấp cao hơn, các bộ phận cấp trung đoàn được chuyển lên cấp sư đoàn, và các binh trạm được nâng lên cấp trung đoàn. Bộ Tư lệnh Trường Sơn có tám sư đoàn (gồm hai sư đoàn ô tô vận tải: 571, 471; bốn sư đoàn công binh: 470, 472, 473, 565; Sư đoàn phòng không 377, Sư đoàn bộ binh 968) và một số trung đoàn trực thuộc (gồm: 6 trung đoàn cao xạ, 1 trung đoàn bộ binh, 4 trung đoàn đường ống xăng dầu, 2 trung đoàn cầu, 2 trung đoàn thông tin, 1 trung đoàn vận tải đường sông, 1 trung đoàn giao liên cơ giới, 1 trung đoàn kho, 1 trung đoàn huấn luyện, an dưỡng). Lực lượng thanh niên xung phong trên tuyến gồm 4 đoàn – tương đương trung đoàn, với gần 10 nghìn nam nữ thanh niên. Chỉ huy thời kỳ này là Đại tá Đồng Sĩ Nguyên – Tư lệnh và Đại tá Hoàng Thế Thiện – Chính ủy. Năm 1974, Đại tá Đồng Sĩ Nguyên được thăng vượt cấp lên Trung tướng, Đại tá Hoàng Thế Thiện được thăng cấp Thiếu tướng. Đầu năm 1975, Đại tá Lê Xy được cử làm Chính ủy.

Quân bổ sung cho các chiến trường đều được hành quân bằng cơ giới, chấm dứt hành quân bộ. Trong mùa khô 1973-1974, mỗi tháng chuyển được trên 30.000 đến 50.000 quân qua tuyến. Trước đây, bộ đội hành quân bộ từ miền Bắc vào chiến trường B2 mất hơn ba tháng, nay chỉ mất hơn chục ngày. Đây là một bước tiến nhảy vọt về chất trong tổ chức hành quân. Đối với hàng, đội hình vận chuyển chủ yếu là trung đoàn, chạy hoàn toàn ban ngày, đi thẳng từ nơi nhận hàng tới nơi giao hàng.

Đến mùa hè năm 1974, đường đông và tây Trường Sơn đã hình thành một hệ thống liên hoàn, vững chắc, là cơ sở hạ tầng bảo đảm chi viện liên tục vật chất, cơ động lực lượng, binh khí kỹ thuật, bảo đảm cho đòn tiến công chiến lược khi thời cơ đến. Đồng thời, tuyến hành lang đông – tây Trường Sơn đã hình thành một căn cứ hậu cần chiến lược, chiến dịch. rộng trên 130 nghìn cây số vuông, nối liền hậu phương lớn miền Bắc với các chiến trường nam Đông Dương, là chỗ dựa vững chắc cho các chiến trường. Đây là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi nhiệm vụ chi viện của hậu phương chiến lược miền Bắc cho các chiến trường tại miền Nam, Lào và Campuchia.

Sau chiến tranh (1975 - nay)

Đường Trường Sơn của những năm chiến tranh mang một trọng trách mới: phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng... của thời bình.

Dọc bên đường, các thị trấn sầm uất, những khu dân cư đông đúc đã hiện hữu như để minh chứng cho sức sống mãnh liệt trên con đường lịch sử này. Điều đặc biệt là ở những làng nhỏ ven đường sẽ bắt gặp cuộc sống của những cựu Thanh niên xung phong. Họ ở khắp nơi về đây tham gia xây dựng con đường của thời bình để phát triển kinh tế, và khi con đường đã thông, họ lại chọn đây làm nơi lập nghiệp thay vì quay về bản xứ.

Theo Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, năm 1996 Chính phủ Việt Nam đã giao Bộ Giao thông Vận tải (Việt Nam) nghiên cứu quy hoạch đường để hình thành trục dọc đường bộ xuyên Việt thứ hai nằm ở phía Tây của đất nước với tên gọi ban đầu là công trình Xa lộ Bắc Nam. Tháng 8 năm 1998, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức đổi tên công trình Xa lộ Bắc Nam thành Đường Hồ Chí Minh.

Ngày 3 tháng 2 năm 2000, Chính phủ Việt Nam cho phép xây dựng đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1) từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Ngọc Hồi (Kon Tum) và nhánh Tây từ Khe Gát (Quảng Bình) đến Thạnh Mỹ (Quảng Nam). Ngày 5 tháng 4 năm 2000, dự án khởi công.[51]

Tổng kết

Tính đến ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đường Trường Sơn đã tồn tại gần 6000 ngày đêm. Các lực lượng công binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn gồm khoảng 120.000 người đã làm nên mạng đường liên hoàn, vững chắc với 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, nối Đông với Tây Trường Sơn, vươn tới các chiến trường, với tổng chiều dài gần 2 vạn km đường ô tô, 1.400 km đường ống dẫn xǎng dầu, 3.140 km "đường kín" cho xe chạy ban ngày và hàng ngàn cầu, cống, ngầm.

Trong các chiến dịch đánh phá từ năm 1965 đến năm 1972, Mỹ đã huy động khoảng 733.000 chuyến máy bay, đánh phá khoảng 152.000 trận; ném xuống các tuyến đường Trường Sơn gần 4 triệu tấn bom đạn. Hơn 20.000 bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông đã hy sinh; hơn ba vạn người bị thương, khoảng 14.500 xe - máy các loại, hơn 700 khẩu súng pháo bị hư hỏng; hơn 90.000 tấn hàng hóa bị đánh cháy...

Về phía Mỹ, hàng trăm máy bay các loại bị bắn rơi, hàng ngàn lính biệt kích, thám báo được tung vào đây bị thương vong hoặc bị bắt. Quân đội Mỹ đã tiêu tốn nhiều tỷ USD vào các kế hoạch nhằm cắt đứt tuyến đường song đều bị thất bại.

Tướng Merrill McPeak, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, từng là phi công chiến đấu ở Việt Nam. Ông kể lại: bằng phương tiện quan sát hiện đại gắn trên máy bay, ông ta có thể săn những chiếc xe vận tải Việt Nam như săn thỏ. Nhưng bắn nhiều rocket, thả nhiều bom đến như vậy, nhưng không lực Mỹ vẫn không tài nào ngăn nổi sự vận chuyển trên đường Trường Sơn. Cho đến nay, Merrill McPeek nói rằng ông vẫn ức tới nghẹn cổ, và kết luận: Ông đã ủng hộ nhầm phe, nếu có thể được thì ngày ấy ông nên chiến đấu cùng đội ngũ với các chiến sỹ can trường, quả cảm ở bên phía Việt Nam[52]

Trong 16 năm, hệ thống hậu cần đường Trường Sơn đã chuyển được hơn một triệu tấn hàng, vũ khí vào cho các chiến trường, bảo đảm chỉ huy hành quân cho hơn hai triệu lượt người vào chiến trường hoặc từ chiến trường ra Bắc; vận chuyển cơ động 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, hộ tống 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào chiến trường.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đường_Trường_Sơn http://www.airforcemag.com/MagazineArchive/Documen... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/268322 http://d-nb.info/gnd/4402603-1 http://bachkhoatoanthu.vass.gov.vn/noidung/tudien/... https://www.amazon.com/Cambodian-incursion-Dinh-Th... https://www.amazon.com/Easter-offensive-1972-Quang... https://www.amazon.com/Lam-Maj-Gen-Nguyen-Hinh/dp/... https://www.amazon.com/War-against-Trucks-Interdic... https://media.defense.gov/2017/Apr/07/2001728434/-... https://web.archive.org/web/20040704191405/http://...